Trước khi quyết định viết bài về kính Ray-Ban Bausch & Lomb (chỉ viết về kính Ray-Ban USA – trước khi thương hiệu Ray-Ban được Bausch & Lomb chuyển nhượng cho Luxottica năm 1999 với giá 1,2 tỷ USD), Bình đã suy nghĩ, đắn đo:
“Để có bộ sưu tập như hiện tại, mình đã mất hơn 5 năm và tốn không ít tiền bạc. Bên cạnh những kiến thức chung được thu lượm từ Internet, từ các anh em có cùng đam mê và từ mấy nhà sưu tầm ngoại quốc, còn có bao điều mình tự mày mò và rút ra được, vậy giờ có nên viết ra không nhỉ ?! có nên viết hết những điều mình biết không nhỉ ?! .....
..Uhm...suy cho cùng thì nếu không có người khác chia sẻ với mình trong những ngày đầu thì chắc mình không được như ngày hôm nay. Mà có khi trong những điều mình đang biết lại có những chỗ chưa được chính xác, chưa đúng đắn thì sao ?!, nếu vậy thì cần mở rộng giao lưu, chia sẻ và học hỏi để khẳng định thêm cho những gì mình đã lĩnh hội được..... Mình sẽ viết “.
Trong cách thể hiện nội dung, Bình sẽ không đi vào chi tiết từng Seri theo khung sườn đã nêu ở trên mà trình bày một cách ngẫu hứng, giống như cách chúng ta ngồi trò chuyện trong tiệm cà phê chứ không phải cách trao đổi trong một buổi tọa đàm. Bình hy vọng mọi người sẽ cảm thấy thoải mái khi theo dõi
------o0o------
Các mẫu kính mát Ray-Ban
Dừng chân ghé quán nước trà bên đường, ngồi vỉa hè xem các cụ chơi cờ tướng, khơi chuyện đồng hồ cổ, xe cổ và kính cổ, nói từ “Ray-Ban” thì đến các bác, các ông, các cụ 60 – 70 tuổi cũng thốt ra rằng : “À, loại kính mà lính Mỹ và dân chơi hay đeo đây mà ”. Nhắc đến kính mát Ray-Ban, Bình tin rằng phần đông trong chúng ta nghĩ ngay đến mẫu Aviator bởi sự phổ biến của nó. Nhưng bộ đôi huyền thoại Aviator và Wayfarer mới là đầy đủ những đại diện tiêu biểu làm nên danh tiếng Ray-Ban.
1.Ray-Ban Aviator Aviator được phát hành cho Không lực Hoa Kỳ từ năm 1936, năm 1937 thương hiệu Ray-Ban được đăng ký, và đến năm 1938 thì Aviator mới chính thức được phát hành rộng rãi chứ không bó hẹp riêng cho Phi công. Có thể nói, Aviator là mẫu thành công nhất của Ray-Ban, là mẫu thiết kế xuất sắc nhất, đồng thời cũng là mẫu bị sao chép nhiều nhất. Cũng trong năm 1938, chứng kiến sự xuất hiện của mẫu Outdoorsman.
Hình Ray-Ban Aviator
2.Ray-Ban Wayfarer Wayfarer được thiết kế và phát hành năm 1952, số phận của nó cũng trải qua bao sóng gió, điều đó đưa nó trở thành huyền thoại bên cạnh anh cả Aviator.
Thời kỳ hoàng kim của Wayfarer là những năm 50’s – 60’s. Đón chào nồng nhiệt mẫu Wayfarer có lẽ là giới văn nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh, giới trẻ, và cả các chính trị gia.
Sang những năm 70’s, kinh tế Mỹ trải qua thời kỳ lạm phát sâu và tăng trưởng trì trệ. Mọi người tập chung lo đối phó với khủng hoảng, đối phó với giá dầu lửa, giá thực phẩm và hàng hóa tăng cao, vì thế số lượng người quan tâm và lựa chọn Wayfarer giảm nhiều.
Đến năm 1982, Ray-Ban đã mở chiến dịch quảng bá sản phẩm của mình bằng cách ký hợp đồng với Unique Product Placement của Burbank, California với khoản phí 50.000 USD mỗi năm để sản phẩm của hãng được xuất hiện thường xuyên trên truyền hình và trong phim ảnh. Giữa những năm 1982 ~ 1987, trung bình mỗi năm, kính mát Ray-Ban xuất hiện trong hơn 60 bộ phim và trong các Show truyền hình. Và nhờ vậy mới tạo ra “Hiện tượng Wayfarer”, số lượng mẫu Wayfarer được bán ra trong giai đoạn này cao kỷ lục (đỉnh điểm là năm 1986 – 1,5 triệu cây). Wayfarer trở thành lựa chọn đầu tiên khi nói đến kính mát.
Nhưng tuân theo quy luật vận động của cuộc sống, cái gì lên đến đỉnh điểm thì sau đó sẽ tạm thoái trào, Wayfarer lại bị “thất sủng” khi dây cót đồng hồ kéo nhân loại bước sang thập niên 90.
Năm 2001, mẫu Wayfarer được thiết kế lại để có một dáng vẻ mới, gọng nhỏ hơn và ít góc cạnh. Và Wayfarer lại hồi sinh. Năm 2007, nắm bắt thấy nhu cầu đối với mẫu Wayfarer nguyên thủy (1952) đang lên cao, Ray-Ban cho tái phát hành mẫu này song song với việc phát hành mẫu mới, kết quả là doanh số lại tăng lên vùn vụt (năm 2007 đạt 231% so với năm 2006, năm 2008 đạt 140% so với năm 2007).
Hình Ray-Ban Wayfarer
3.Ray-Ban DiamondHard Ray-Ban DiamondHard (DiamondHard Scratch-Protection System) được sản xuất với số lượng có hạn trong giai đoạn 1993-1995, tung ra thị trường trong bộ sưu tập Survivor (Survivor’s Collection).
Hình Ray-Ban Diamond Hard
Điều khiến cây kính DiamondHard trở nên hết sức đặc biệt là bởi nó được ứng dụng công nghệ tối tân thời đó – The DiamondHard Technology – ban đầu được NASA nghiên cứu và phát triển. Đây là công nghệ phủ lên bề mặt vật liệu nền một lớp màng mỏng (film) Kim cương tổng hợp để chống trầy xước, thêm vào đó là giảm ma sát bề mặt. Đây là 1 công nghệ tiềm năng nhưng được phát triển rất chậm vì quá tốn kém.
Trong số các phương pháp phủ đã phát triển một kỹ thuật gọi là lắng đọng ion trực tiếp, trong đó một máy phát ion có nhiệm vụ tạo ra chùm ion từ nguồn khí Hydrocacbon, các ion Cacbon sẽ va chạm trực tiếp với bề mặt vật liệu nền và dần phát triển thành một màng mỏng (film). Công nghệ này được Bausch & Lomb tiếp tục mở rộng nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn và sau đó trở thành độc quyền của Bausch & Lomb Sunglasses. Phương thức lắng đọng chùm tia ion cho phép phủ lên bề mặt tròng kính 1 lớp Cacbon vô định hình - Kim cương tổng hợp - giúp cho tròng kính khó trầy (scratch-protection) hơn thủy tinh thường gấp nhiều lần (khoảng 10 lần) và làm giảm ma sát bề mặt, cho nên tròng đỡ bị bám nước khi gặp mưa lớn và giảm hiện tượng nước đọng lốm đốm khi gặp mưa phùn, tròng kính cũng dễ làm sạch hơn.
4.Ray-Ban Precious Metal Precious Metals là dòng sản phẩm Limited Edition của B&L Ray-Ban trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Gọng kính 2 tông màu, sử dụng các kim loại quý như Vàng, Rhodium và Bạch kim. Với mong muốn tạo ra một dòng kính mắt sang trọng, lịch lãm mà vẫn cổ điển. Tròng Precious Metals thường thấy có 2 loại: Fixed và Gradient (hay Transition). Để người đeo có cảm giác thoải mái nhất, có thể đeo cả ngày lẫn đêm và đeo từ ngày này qua ngày khác, tròng kính có chất lượng quang học tuyệt vời và được chế tác với độ dày 1,8mm nên nhẹ.
Hình Ray-Ban Precious Metal
Vì là sản phẩm cao cấp, được ví như món đồ trang sức, một công cụ làm phông nền cho đôi mắt trở nên nổi bật để tổng thể kính cùng khuôn mặt tạo thành một tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần là một vật dụng bảo vệ mắt tối ưu, thế cho nên trên mỗi cây Precious Metals đều mang một số seri riêng được dập chìm, một tem RayBan mạ Vàng sáng chói gắn trên tròng phải, một logo BL tròn tròn, nho nhỏ phía mái chèo bên trái.
5.Ray-Ban The General Để kỷ niệm 50 năm thành lập hãng và vinh danh tướng Douglas MacArthur, năm 1987, Ray-Ban đã cho ra mắt mẫu kính General. Gọng kính được thiết kế kiểu dáng bo tròn ôm lấy tròng kính, tạo ấn tượng khỏe khoắn. Tròng kính sử dụng cho cây kính General chỉ có một loại duy nhất được chế tạo riêng là RB50, tròng có màu mật ong, chất lượng quang học thì miễn chê. Đeo cây General vào trông sang và nổi bật cực kỳ.
Hình Ray-Ban The General
Bình xin nói thêm một chút, General còn có một người “anh cả” là Tiền General (Pre General) mà có lẽ ít ai trong chúng ta được biết đến sự tồn tại của nó chứ chưa nói đến chuyện được chiêm ngưỡng hay sở hữu nó, bởi Pre General chưa hề được RayBan bán ra thị trường. Hai “anh em” nhà General mang cùng dáng dấp của “cụ tổ” Aviator, nhưng giữa Pre General và General vẫn có những điểm riêng để chúng ta nhận biết.
6.Ray-Ban Balorama Ray-Ban Balorama xuất hiện trên kệ của các shop lần đầu tiên vào năm 1967, với vẻ tiện dụng và thanh lịch tạo ra bởi gọng plastic ôm sát và bao bọc lấy mắt người đeo, nhẹ và bền. Càng bên trái khắc dòng chữ “BALORAMA”, càng phải khắc “B&L RAY-BAN USA”. Logo RayBan được xuất hiện trên tròng kính kể từ năm 1984.
Balorama được ví như biểu tượng cho những người đi tiên phong. Hình ảnh Ray-Ban Balorama gắn liền với diễn viên Clint Eastwood trong phim Dirty Harry.
Hình Ray-Ban Balorama
7.Ray-Ban Caravan Ra đời năm 1957, Caravan có đặc điểm rất dễ nhận biết với tròng vuông – là một biến thể của Aviator nguyên thủy. Chỉ là sự thay đổi về hình dạng tròng, mọi yếu tố kết cấu khác không thay đổi, thế nên vẻ nhẹ nhàng, nét tinh tế vẫn còn đó.
Hình Ray-Ban Caravan
8.Ray-Ban Predator Mẫu Predator được thiết kế và giới thiệu ra công chúng vào năm 1994. Kiểu dáng của Ray-Ban Predator mang đậm chất thể thao, khỏe khoắn mà vẫn tinh tế. Sau khi ra đời, Predator rất được ưa chuộng và nhanh chóng trở nên phổ biến.
Hình Ray-Ban Predator
9.Ray-Ban Signet Ray-Ban Signet là một mẫu kính mát hạng sang, và tất nhiên là đắt tiền. Mẫu SIGNET được thiết kế riêng cho đấng mày râu vốn ưa thích những thứ thật hoàn hảo.
Tại thời điểm năm 1956, khi xuất hiện, một cây Ray-Ban SIGNET gọng nạm vàng (1/10 12K GF) có giá 25 USD. Hàng chữ “SIGNET” được khắc trên càng trái, còn bên càng phải là “B&L RAY-BAN USA”
Hình Ray-Ban Signet
10.Ray-Ban Orbs Ray-Ban Orbs xuất hiện trong thập niên 80, có lẽ là mẫu có kiểu dáng cơ bắp nhất của Ray-Ban. Khỏe từ đường nét cho tới kết cấu.
Hình Ray-Ban Orbs
11.Ray-Ban Wings Ray-Ban Wings ra đời từ năm 1983 với hai loại gọng đen và vàng, đến năm 1986 xuất hiện thêm Wings Nylon (gọng Nylon).
Hình Ray-Ban Wings
12.Ray-Ban Rituals Mã hiệu được khắc trên càng bên trái, càng bên phải khắc hàng chữ “RAY-BAN RETUALS”.
Hình Ray-Ban Rituals
13.Ray-Ban Blazer
Hình Ray-Ban Blazer
Đúng như cái tên của nó: Blaze – Lửa hay sáng chói, Ray-Ban Blazer luôn nổi bật hoặc làm cho chủ nhân của nó trở nên nổi bật; chắc chắn rồi, vì Bình nghĩ rằng người chọn đeo Ray-Ban Blazer hẳn phải là người cá tính lắm, sôi nổi, vậy nên chẳng có cái lý nào để người đó không nổi bật trong đám đông cả.
Vào những ngày đông giá rét, ngắm cây Blazer hoặc nhìn thấy ai đó đeo Ray-Ban Blazer lướt qua chắc cũng làm ta thấy ấm áp trong khoảng khắc. Chất liệu chủ đạo để chế tác gọng là Plastic. Ray-Ban Blazer ra đời cuối thập niên 60.
14. Ray-Ban Timberline Trong thập niên 70, Ray-Ban cho ra đời mẫu Timberline. Kiểu dáng của Timberline gần giống với mẫu Blazer, chỉ khác ở một vài tiểu tiết.
Hình Ray-Ban Timberline
15. Ray-Ban Arcadia Ra đời trong thập niên 70, Ray-Ban Arcadia là mẫu kính dành cho phái nữ.
Hình Ray-Ban Arcadia
16.Ray-Ban Stateside Mẫu Stateside lần đầu tiên được Ray-Ban tung ra thị trường vào năm 1975, gặt hái được nhiều thành công nên Ray-Ban đã cho tái bản nhiều lần với nhiều phiên bản khác nhau trong nhiều năm sau đó. Stateside cùng với Vagabond là hai mẫu phổ biến nhất trong bộ sưu tập Olympic Games, trang bị lần đầu tiên cho các vận động viên tham dự Thế vận hội Montreal 1976.
Bình muốn nói ra một thông tin quan trọng là chỉ những cây kính trong bộ sưu tập Olympic năm 1976 mới có Logo 5 vòng tròn lồng vào nhau (Logo Olympic), bởi sau Thế vận hội Montreal, kể từ năm 1977 Logo Olympic đó được thay bằng Logo Ray-Ban. (The Ray-Ban Olympic Games Collection là một bộ sưu tập kính mát đặc biệt, quảng bá rộng thêm hình ảnh của Ray-Ban bằng cách phát kính cho các nhóm vận động viên tham gia thế vận hội). Trên càng trái khắc hàng chữ “STATESIDE”, bên càng phải là “B&L RAY-BAN USA”.
Hình Ray-Ban Stateside
17. Ray-Ban Onyx Ray-Ban Onyx ra đời trong thập niên 80
Hình Ray-Ban Onyx
18. Ray-Ban Marcelle Ray-Ban Marcelle được tung ra thị trường vào năm 1960. Ray-Ban miêu tả nó ở thời điểm đó như là “...một kiểu dáng mê hoặc ẩn mình trong những màu sắc tinh tế...” ("...a bewitching style in subtle hues..."). Ray-Ban đã ngừng sản xuất mẫu Marcelle kể từ năm 1964.
Hình Ray-Ban Marcelle
19. Ray-Ban Chandra Ray-Ban tung mẫu kính mát Chandra ra thị trường vào đầu những năm 1970. “Chandra” là một từ của Ấn độ, nó có nghĩa là “Mặt trăng”; nói một cách chính xác thì Chandra là tên cổ xưa của Thần mặt trăng trong thần giáo Ấn độ (đạo Hindu) – các cặp vợ chồng khi muốn có con thường cầu nguyện vị thần này.
Hình Ray-Ban Chandra
20. Ray-Ban Lantana Ray-Ban sản xuất mẫu Lantana giữa những năm 1970. Tròng Lantana có kiểu dáng hình bát giác và hơi ôm phủ lấy khuôn mặt người đeo. Bên càng phải khắc hàng chữ “B&L Ray-Ban U.S.A”, bên càng trái là “LANTANA”.
Hình Ray-Ban Lantana
21. Ray-Ban Naturals Loạt mẫu Naturals được Ray-Ban tung ra thi trường kể từ năm 1979 với khẩu hiệu “Thời trang chỉ là một nửa câu chuyện của chúng tôi ... hiệu quả là một nửa còn lại ...” - ("Fashion is only half our story ... performance is the other half ..."). Đây là bộ sưu tập kính mát dành cho phái nữ.
Hình Ray-Ban Naturals
22. Ray-Ban Gavilan Ray-Ban Gavilan xuất hiện vào năm 1976 với bốn màu chủ đạo. Gavilan là tên của võ sĩ quyền anh người Cuba, tới định cư tại Mỹ năm 1948. Gavilan từng vô địch quyền anh thế giới năm 1951 và bảo vệ thành công ngôi vị quán quân năm1952.
Hình Ray-Ban Gavilan
23.Ray-Ban Gatsby
Hình Ray-Ban Gatsby
24.Ray-Ban Sidestreet
Hình Ray-Ban Sidestreet
25.Ray-Ban Cats
Hình Ray-Ban Cats
26.Ray-Ban Chayenne
Hình Ray-Ban Chayenne
27.Ray-Ban Bewitching
Hình Ray-Ban Bewitching
28.Ray-Ban Clubmaster
Hình Ray-Ban Clubmaster
29. Ray-Ban Drifter
Hình Ray-Ban Drifter
30. Ray-Ban Nuevo
Hình Ray-Ban Nuevo
31. Ray-Ban Leather
Hình Ray-Ban Leathers
32. ‘‘Đại gia đình’’ nhà Ray-Ban Traditionals Nước Mỹ đã vật lộn xong với cơn khủng hoảng năng lượng, đẩy lùi lạm phát và vực dậy nền kinh tế. Và như quy luật từ bao đời, khi đã no đủ thì con người ta lại tính đến chuyện chơi. Thập niên 80 chứng kiến sự bùng nổ về số kiểu mẫu và số lượng kính Ray-Ban bán ra, loạt sản phẩm Traditionals của Ray-Ban không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn diện, thể hiện cá tính, bảo vệ đôi mắt mà còn thay lời khẳng định rằng kính Ray-Ban rất thời trang, phủ nhận những nhận xét trước đó cho rằng Ray-Ban đơn điệu về mẫu mã. “Đại gia đình” nhà Ray-Ban Traditionals bao gồm nhiều gia đình nhỏ, mỗi gia đình nhỏ đó có nhiều thành viên khác nhau. Bình có thể kể ra đây như sau:
A. Ray-Ban Style: Số lượng thành viên trong gia đình nhà Style này đông lắm, đặt tên cho chúng quả là một vấn đề khó khăn nếu như chọn theo cách thông thường; ở Việt Nam thời xưa, người dân Nam Bộ thường đặt tên các con theo thứ tự chào đời: Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, .v.v.. và có lẽ Ray-Ban đã học theo cách này để đặt tên cho các mẫu trong gia đình Style: Đặt tên theo số thứ tự : Style 1, Style 2, Style 3, Style 4, Style 5, .... gồm vài chục mẫu.
Hình Ray-Ban Style 3
Đặt tên theo bảng chữ cái : Style A, Style B, Style C, Style D, Style E, ....
Hình Ray-Ban G Style
B. Ray-Ban Premier Ray-Ban Premier có nhiều kiểu dáng ( A, B, C, D, E, ....), nhưng tất cả đều nổi bật với điểm nhấn là cầu mũi bằng kim loại mạ vàng được chế tác tinh xảo. Ve mũi cũng được chau chuốt từ hình thức cho đến cách lắp ghép ve mũi lên cầu.
Hình Ray-Ban Premier
C. Ray-Ban Shelby Ray-Ban Shelby bắt đầu được tung ra vào năm 1985 (Shelby cho nam), mẫu Shelby cho nữ thì đến năm 1988 mới được Ray-Ban cho phát hành. Giá cho một cây Ray-Ban Shelby tại Mỹ thời đó là 100 USD.
Hình Ray-Ban Shelby
------o0o------
Bonus
Một số loại tròng B&L RAY-BAN phổ biến
Tròng RB3
Hình tròng RB3
Đây là loại tròng phổ biến nhất của RAY-BAN với màu xanh đặc trưng mà dân Việt Nam ta yêu thích và quen gọi là màu xanh rau muống.
Tròng RB50
Hình tròng RB50
Một nét đẹp mê hồn, quyến rũ bất kỳ ai ngay từ cái nhìn đầu tiên – ngọt ngào, ấm áp sắc màu mật ong. Tròng RB50 ra đời năm 1987.
Tròng G15
Hình tròng G15
Được phát triển từ năm 1953, năm 1954 G15 được tung ra thị trường. Độ râm 85%, chế tác từ thủy tinh quang học chịu va đập, bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia cực tím. Loại tròng này cũng màu xám, đem lại cho người đeo một cảm giác mát mắt và cảm nhận trung thực về màu sắc.
Tròng B15
Hình tròng B15
Tròng Kalichrome
Hình tròng Kalichrome
Ra đời từ rất sớm, loại tròng Kalichrome xuất hiện cùng mẫu Shooter kể từ năm 1938. Mục đích chính của Ray-Ban khi phát triển loại tròng này là để đi trong sương mù, đi trong môi trường ánh sáng yếu. Màu sắc đặc trưng của tròng Kalichrome là màu vàng chanh. Xin nói thêm rằng, Ray-Ban Shooter ra đời năm 1938 với hai loại tròng: xanh lục (xanh Ray-Ban) và Kalichrome. Trời đang âm u, đeo cây kính có tròng Kalichrome lên mắt thì mọi thứ bỗng sáng lên, rực rỡ như có nắng.
Tròng Diamond Hard
Hình tròng Diamond Hard
Tròng Ambermatic
Hình tròng Ambermatic
Ambermatic là loại tròng có khả năng thay đổi màu sắc tùy theo điều kiện ánh sáng của môi trường xung quanh, loại tròng này được nghiên cứu với mục đích tạo ra một loại kính mát có thể đeo trong mọi điều kiện thời tiết, sử dụng trong các hoạt động thể thao. Tròng Ambermatic ra đời năm 1974.
Tròng Gradient
Hình tròng Gradient
Đối với tròng Gradient: đỉnh tròng là vị trí có độ râm cao nhất (đậm màu nhất), càng chuyển xuống phía dưới thì độ râm càng giảm đi (sáng hơn). Đối với tròng Double Gradient: đỉnh tròng và đáy tròng đậm màu nhất, càng chuyển vào giữa thì màu càng nhạt dần. Loại tròng này vừa giúp bảo vệ mắt khỏi anh sáng chiếu trực tiếp từ mặt trời, vừa bảo vệ mắt khỏi ánh sáng phản xạ (từ mặt nước, từ tuyết, ....). Tròng Double Gradient thường được tráng gương (tráng thủy), chúng ta hay thấy loại tròng này ở các cây kính trượt tuyết.
Tròng ChroMax
Hình tròng Chromax
Nằm trong series Driving của Ray-Ban, tròng ChroMax được ứng dụng công nghệ Tương phản màu sắc (Color Contrast Technology) giúp tăng cường độ sáng tương đối và độ tương phản đối với những màu sắc có ý nghĩa quan trọng khi chạy xe (màu đỏ, màu xanh và màu hổ phách). Tròng ChroMax sẽ chọn lọc ánh sáng từ môi trường lái xe, làm đèn phanh, các tín hiệu giao thông và các dấu hiệu khác xuất hiện một cách sáng rõ, để quan sát dễ dàng hơn.
Kết hợp với tính năng ngừa tia cực tím, Ray-Ban ChroMax là lựa chọn lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời đòi hỏi sự phối hợp chính xác giữa tay và mắt, chẳng hạn như chơi Golf, Tennis, và đặc biệt là lái xe.
Đặc điểm riêng của mẫu Aviator trong từng giai đoạn lịch sử
Chất liệu, kết cấu, kiểu dáng và màu sắc của các cây kính RAY-BAN qua mỗi thời kỳ chịu ảnh hưởng bởi khả năng công nghệ của ngành vật liệu học và thị hiếu của người tiêu dùng cùng xu hướng thời trang trong thời kỳ đó. Chú ý đến những mặt này sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận biết được cây kính RAY-BAN mà mình đang quan tâm được ra đời trong khoảng thời gian nào, sử dụng vào mục đích gì, trong điều kiện nào, và hợp với giới nào. Nếu bàn về tất cả những điều trên thì Bình nghĩ mình chưa đủ kiến thức sâu rộng để hầu chuyện mọi người; trong khuôn khổ bài viết này, Bình chỉ xin đề cập đến mẫu Aviator cùng với những đặc điểm riêng của nó trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Giai đoạn 1938-1940:
- Chất liệu nhựa trên ve mũi, mái chèo màu ngà và có vân, tính đàn hồi kém
- Gọng kính có thiết diện vuông, được bọc vàng. Mặt phía trên cầu kính không ghi thông tin gì cả, mặt phía dưới có dập chìm dòng chữ nhỏ “B&L 1/10 12K GF” - Tròng kính chưa khắc chữ “BL”, chữ Ray-Ban cũng chưa được in trên tròng.
Giai đoạn thập niên 40:
- Chất liệu nhựa trên ve mũi và mái chèo có màu vàng nâu,đục và có vân, tính đàn hồi cũng vẫn rất kém. - Gọng kính có thiết diện vuông, được bọc vàng. Mặt phía trên cầu kính có dập dòng chữ “RAY-BAN”, mặt dưới dập chìm dòng chữ nhỏ “B&L 1/10 12K GF”. - Tròng kính chưa khắc chữ “BL”, chữ Ray-Ban cũng chưa được in trên tròng.
Giai đoạn thập niên 50:
- Chất liệu nhựa có màu nâu nhạt và hơi trong được sử dụng cho mái chèo và cầu kính. Vật liệu này cũng vẫn đàn hồi kém. - Các thông tin khác giống như thập niên 40.
Gian đoạn thập niên 60:
- Ve mũi và cầu kính đã được sử dụng vật liệu nhựa dẻo có màu trắng giống như ngọc trai, tính đàn hồi tốt. Mái chèo dùng vật liệu nhựa trắng trong suốt. - Gọng kính được bọc vàng. Kể từ lúc này, mặt trên của cầu kính được dập chìm dòng chữ “B&L RAY-BAN U.S.A”, mặt dưới dập dòng chữ “B&L 1/10 12K GF” (tùy sản phầm mà thông số có thể là 1/10, 1/30, 12K hay 10K). - Chữ “Ray-Ban” và “BL” vẫn chưa xuất hiện trên tròng kính.
Giai đoạn kể từ sau năm 1975:
- Gọng kính không còn được bọc vàng nữa, nó được mạ vàng. Mặt trên cầu kính được dập dòng chữ “B&L RAY-BAN U.S.A”, mặt dưới là “B&L RAY-BAN 62□14” (hoặc “B&L RAY-BAN 58□14”). - Chữ “Ray-Ban” được in trên tròng kính bên phải, chữ “BL” được khắc chìm trên cả hai tròng của cây kính.
Một điểm quan trọng đáng lưu ý là vào năm 1973, lần đầu tiên công nghệ Laser được ứng dụng để khắc chữ “BL” lên trên tròng kính, chữ “BL” nằm ở vị trí đỉnh tròng, nét khắc to và có phần hơi thô.
Bảo quản kính mát
Một anh bạn của Bình có thói quen cài kính trên áo, trong một lần ngồi uống Càphê ở ven hồ, chẳng hiểu anh ấy lúi húi thế nào, cúi xuống, bỗng nghe cái ...tõm..., ôi thôi, kính rơi xuống hồ mất tiêu... Bình thấy là rất nhiều người cũng thường hay cài kính lên áo, cài kính vào sợi dây truyền đeo cổ hoặc bỏ kính vào túi ngực, Bình khuyên mọi người đừng nên làm như vậy, vì khi bạn cúi xuống hoặc khi bạn vận động mạnh một chút cây kính rất dễ rơi ra, nhẹ thì bị trầy chút xíu, nặng thì hư hỏng, thậm chí mất luôn. Hãy mang theo bao da bên mình để bỏ kính vào đó khi không đeo nhằm tránh bụi bẩn, xước và những va đập không đáng có.
Vệ sinh kính thường xuyên. Sau mỗi lần đeo, bạn nên thổi bỏ bụi bám trên tròng, trên gọng, sau đó dùng một chiếc khăn mềm loại có nhiều lông mịn (tốt nhất là dùng khăn da cừu) để lau sạch mồ hôi bám trên tròng và gọng, mồ hôi là tác nhân gây hại cho lớp xi mạ theo con đường ăn mòn hóa học, đồng thời mồ hôi cũng là nhân tố làm giảm tuổi thọ ve mũi, mái chèo – những chi tiết bằng nhựa. Nếu bạn đang sở hữu một cây Aviator thời thế chiến thứ II, Bình khuyên bạn chỉ nên đeo nó vào những ngày mát mẻ; còn trời nóng, bạn sẽ đổ mồ hôi, mồ hôi của bạn sẽ làm cho các chi tiết bằng nhựa trên cây kính sớm bị mủn ra và rơi lả tả.
Với những vết bẩn cứng đầu bám trên tròng, nhằm tránh trầy cho tròng khi lau chùi, bạn đừng lau khô mà nên làm sạch bằng nước: đặt kính dưới vòi nước và xả nước liên tục, vừa xả vừa dùng khăn mềm mịn để chùi rửa. Xong, dùng máy sấy tóc để làm khô kính, dùng khăn da cừu (nếu có) để lau sạch vết tích của những giọt nước còn để lại trên tròng sau khi sấy khô. Cất giữ kính nơi khô ráo, chống ẩm.