Những lưu ý khi sử dụng và bảo vệ kính (12/28/2014 10:58:14 PM)

Những lưu ý khi sử dụng và bảo vệ kính

 

Những thao tác đúng khi sử dụng và biện pháp vệ sinh chiếc kính cũng chiếm phần không nhỏ để giúp bạn giữ tuổi thọ của chiếc kính được lâu hơn, tránh được tối đa những trục trặc gặp phải khi sử dụng.

Dưới đây là một số các thao tác khi sử dụng cũng như biện pháp vệ sinh được khuyên dùng: 
 

1. KHI ĐEO VÀ GỠ KÍNH PHẢI DÙNG HAI TAY

Một số người vẫn có thói quen dùng một tay, điều này thường gây các tác hại không nhỏ đến chiếc kính như gây nên sai lệch gọng kính và tâm của mắt kính, qua đó sẽ có những ảnh hưởng đến tuổi thọ kính, yếu tố thẩm mỹ, thị trường nhìn.. từ đó có thể gây ảnh hưởng không tốt cho đôi mắt, giảm hiệu quả làm việc.

 

2. KHÔNG NÊN TỰ SỬA KÍNH KHI KÍNH BỊ SAI LỆCH

Chỉnh sửa kính là một công việc đòi hỏi có sự am hiểu về chuyên môn, sự lành nghề. Dụng cụ để sửa kính (kìm, khoan, tôvít..) phải là những dụng cụ chuyên ngành. Khi chỉnh sửa kính, ngoài yếu tố tay nghề kỹ thuật viên, các dụng cụ chỉnh sửa thì cũng luôn cần tới sự hỗ trợ của những trang thiết bị hiện đại để giúp kiểm tra lại các thông số kỹ thuật (như: máy đo tròng kính, máy sấy, máy hàn..). Vậy nên, khi chiếc kính có sai lệch các bạn nên đem đến các cửa hàng mắt kính có uy tín để nắn và điều chỉnh.

 

3. KHÔNG ĐƯỢC CẦM TAY VÀO MẮT KÍNH

Cầm tay vào mắt kính thường làm cho mắt kính bị mờ đi vì mắt kính rất dễ bắt dính dầu và mồ hôi, tay bị bụi bẩn cũng có thể làm cho kính bị trầy xước, ố màu làm cho khả năng quan sát bị hạn chế có thể gây nên nhức mỏi mắt, đau đầu..

 

4. CÁC THAO TÁC VỆ SINH KÍNH

  • Trong quá trình sử dụng, kính sẽ thường xuyên bị bám bụi bẩn và việc vệ sinh kính cần phải tiến hành thường xuyên.
  • Khi vệ sinh chiếc kính q các bạn nhớ nên xả nước rửa trước rồi lau. Vì khi mắt kính dính bụi bẩn, nếu lau ngay thì chính lớp bụi bẩn đó sẽ trà xát làm xước mắt kính.
  • Rửa kính nên xả bằng nước sạch, có thể dùng sữa tắm hay nước rửa chén bát để làm sạch kính, tránh xả nước vào hộp lò xo bản lề (những chỗ này khi bị đọng nước thường gây hiện tượng gỉ sét làm hỏng kính). Rồi sau đó mới lau gọng kính và thấm nước ở mắt kính. Lưu ý khi lau cần phải dùng khăn lau kính chuyên dụng hoặc khăn giấy loại tốt (mềm, mịn, dai, có độ thấm nước cao))
  • Chú ý lau nhẹ nhàng để tránh làm trầy xước mắt kính, gẫy gọng kính, đứt sợi nylon (cước), đặc biệt với các loại gọng kính khoan và kính có thể tháo rời mắt.
  • Tuyệt đối không lau kính bằng quần áo đang mặc, một số người đeo kính do sự tiện lợi thường lau kính bằng cách này. Quần áo đang mạc thường có bám bụi bẩn, và chúng cũng sẽ làm trầy xước kính rất nhanh.

 

5. NÊN CẤT KÍNH VÀO HỘP KHI KHÔNG ĐEO

Khi không đeo kính các bạn nên bảo quản kính ở trong hộp (hay vỏ bao), như vậy sẽ tránh được các trường hợp kính vô tình bị va đập, rơi vỡ, trầy xước. Hay thậm chí trẻ em nghịch ngợm gây hỏng hóc v.v..

 

6. KIỂM TRA ĐỊNH KỲ

Cơ thể con người luôn phát triển hay thoái triển, gây nên hiện tượng thay đổi số kính sau một thời gian, chiếc kính đeo mắt cũng sẽ bị hao mòn và chỉ có tuổi thọ nhất định. Sáu tháng hoặc một năm, các bạn nên đến các cửa hàng kính ít nhất một lần để kiểm tra tình trạng chiếc kính đang sử dụng, để thay thế mắt kính bị lão hoá và kiểm tra lại thị lực hoặc nhãn áp của mình.